Phạm vi hòa giải ở cơ sở

Cập nhật ngày: 07/03/2014 05:24:48

Ngày 27/2/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về phạm vi hòa giải cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và một số biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Để khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở, Chính phủ quy định cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan; được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Phạm vi hòa giải cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật như: mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi, ly hôn; vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm...

Nghị định cũng quy định không hòa giải các trường hợp như: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính... Ngoài ra, Nghị định còn quy định về hoạt động hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2014 và thay thế Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở.

T.Dương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn