Những người thợ níu giữ "lửa nghề"

Cập nhật ngày: 28/01/2023 03:44:32

ĐTO - Cuộc sống ngày càng hiện đại, nghề rèn truyền thống đang dần bị mai một theo năm tháng. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ còn lại một số ít người làm thợ rèn vì niềm đam mê với nghề “cha truyền con nối” và đang cố gắng “giữ nghề” trước nguy cơ mai một theo dòng chảy của thời gian.


Vì niềm đam mê với nghề nên nhiều thợ rèn đang cố gắng “giữ lửa” nghề truyền thống

Trước đây, có dịp đến huyện Châu Thành và được nghe những người lớn tuổi kể lại, ngày xưa ở xóm lò rèn thuộc khóm Phú Mỹ Thành, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành (ngày nay) rất nổi danh với nghề rèn truyền thống. Khi đến xóm lò rèn, mọi người có thể nghe rõ âm thanh xì xèo của những thanh sắt đang được nung đỏ ngâm vào nước lạnh hay nghe tiếng đe, tiếng búa nện vang nhịp nhàng hòa cùng tiếng cười nói vui vẻ của những người thợ. Đó là thứ âm thanh quen thuộc phát ra từ những lò rèn thủ công, những dịp Tết hay vụ lúa sắp thu hoạch, các lò rèn nhận rèn dao, làm lưỡi hái cắt lúa rất nhiều. Còn hiện tại, khi trở lại nơi đây, những âm thanh quen thuộc thuở nào không còn nữa, chỉ sót lại vài hộ gia đình còn “giữ lửa” nghề rèn.

Chúng tôi tìm mãi mới gặp được ông Võ Văn Thành (73 tuổi, ngụ khóm Phú Mỹ Thành, thị trấn Cái Tàu Hạ) là một “tiền bối” của xóm lò rèn. Nối nghiệp làm thợ rèn của cha mình nhưng cách đây 3 năm, ông Thành cũng đã bỏ nghề. Ông Thành kể, ngày xưa học tới lớp 6, ông đã nghỉ học theo cha làm nghề rèn, đến năm 16 tuổi, ông đã thành thạo nghề. Ngày xưa, gia đình ông Thành mỗi tháng làm ra mấy ngàn lưỡi hái cắt lúa. Kể từ khi xuất hiện máy cắt lúa vào tận ruộng đồng, nhu cầu sử dụng lưỡi hái cắt lúa không còn nữa nên lò rèn của gia đình không phát triển như thời hưng thịnh.


Ông Võ Văn Nghiệp (59 tuổi) ngụ khóm Phú Mỹ Thành, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành thực hiện công đoạn mài bén sản phẩm

Trò chuyện rôm rả về nghề rèn vang danh một thời, rồi giọng ông chùng xuống với vẻ đầy tiếc nuối: “Gia đình theo nghề rèn từ thời ông nội truyền lại cho cha tôi. Gia đình tôi có 8 anh, em thì có 6 người con trai theo nghề rèn do cha truyền lại. Ngày xưa, xóm lò rèn này có khoảng 100 lò rèn. Bây giờ, do cuộc sống ngày càng hiện đại hóa với nhiều sự thay đổi của thời cuộc nên chỉ còn sót lại vài lò rèn bám trụ và tôi cũng tiếc nuối vì phải bỏ nghề rèn”. Nhiều thợ rèn do lớn tuổi, sức khỏe yếu cũng dần bỏ nghề và thiếu người nối nghiệp. Lớp trẻ không chịu theo nghề rèn nặng nhọc, họ bỏ quê đi làm ăn tứ tán khắp nơi. Tôi có 2 thằng con trai theo nghề rèn được một thời gian rồi cũng bỏ nghề đi kiếm việc khác làm ăn, ông Thành chia sẻ.

Trên đường Nguyễn Thái Học thuộc khóm Thuận Phú, phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh còn tồn tại lò rèn của gia đình cụ Nguyễn Văn Trọng (94 tuổi). Cụ Trọng cho biết: “Tôi theo nghề rèn từ thời ông nội truyền lại, sau do lớn tuổi, sức khỏe yếu, tôi truyền nghề lại cho 2 con trai nối nghiệp”. 2 người con của cụ là ông Nguyễn Văn Rong (63 tuổi) và ông Nguyễn Minh Tài (52 tuổi) vẫn cần mẫn, say mê “giữ lửa” nghề rèn. Ông Tài chia sẻ: “Người thợ rèn phải dùng 1 cây búa chính nặng 5kg và 1 cây búa phụ nặng 3kg để đập những thanh sắt nung, tạo hình cho sản phẩm. Chúng tôi phải đập liên tục những nhát búa và từng nhát búa phải đều đặn, chính xác. Nghề rèn khó nhất là đòi hỏi người thợ phải có tính cần cù và kiên nhẫn mới thành công”.

Từ lúc mới sinh ra, ông Lê Văn Lắm (77 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) đã quen tai với tiếng đe, tiếng búa của nghề rèn từ ông nội, rồi đến cha mình. Suốt tuổi thơ, ông Lắm chứng kiến nỗi cực nhọc, gian khó của gia đình theo nghề rèn. “Máu nghề” đã ăn sâu vào tâm thức của ông nên gần 80 tuổi, ông vẫn cứ say mê và không thể tách rời nghề rèn. Ông đã dành gần trọn cuộc đời mình để nối nghiệp cha, bởi ông xem nghề rèn vừa là nghề, vừa là nghiệp. Đối với ông Lắm, ngọn lửa nghề, tình yêu nghề luôn âm ỉ trong ông. “Cha tôi dạy, những ai theo nghề rèn, ngoài sức khỏe và đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn thì người thợ rèn cần đôi mắt tinh, đôi tai thính, sự kiên nhẫn làm nghề và phải yêu nghề, biết quý trọng nghề”, ông Lắm nhớ lại lời dạy của cha. Ngày nay, nhiều người thợ rèn vẫn tâm huyết yêu nghề thủ công này và tiếc nuối về nghề “cha truyền con nối” dần mai một theo dòng chảy thời gian, đến một lúc nào đó tiếng đe, tiếng búa sẽ ngừng nhịp, rồi nghề rèn thủ công lụi tàn và thế hệ mai sau sẽ không còn biết đến nghề rèn nữa.


Nghề rèn thủ công “cha truyền con nối” đang dần mai một theo thời gian do thiếu người nối nghiệp

Nhà nghiên cứu Lê Thanh Thuận - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Xưa kia, nghề rèn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống vì làm ra các đồ dùng, công cụ lao động trong nông nghiệp như: dao, phảng, lưỡi hái... Trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nghề rèn thủ công dần bị mai một bởi máy móc hiện đại, sản phẩm kim khí được làm ra hàng loạt, mang tính thương mại, thị trường. Tuy nhiên, ở một số nơi, các hộ dân vẫn còn duy trì nghề rèn theo kiểu “cha truyền con nối”, chủ yếu rèn sản phẩm sử dụng trong gia đình hay sửa chữa công cụ lao động cho các hộ dân sử dụng trong xóm”.

Những bậc tiền bối theo nghề rèn luôn đau đáu muốn truyền nghề lại cho con, cháu nhưng vẫn là một bài toán khó, bởi nghề nặng nhọc này thế hệ trẻ không muốn nối nghiệp. Đó cũng là câu chuyện lần lượt nhiều chủ lò rèn truyền thống ngậm ngùi, tiếc nuối bỏ nghề vì thiếu người nối nghiệp và các sản phẩm nghề rèn không còn đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm có chất liệu inox mẫu mã đẹp mắt.

Dương ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn